Sửa Luật Thống kê và những kỳ vọng mới

Kinhtedothi - Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia là nội dung quan trọng của Luật Thống kê. Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn một số hạn chế và đứng trước những yêu cầu mới; danh mục này phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Sự cần thiết và nguyên tắc sửa đổi Luật Thống kê

Lý giải về sự cần thiết sửa đổi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê. Thông tin thống kê đóng góp tích cực vào việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 thì Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030…

Bên cạnh đó, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn vận động của đời sống kinh tế - xã hội, thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế số và logistics cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô; thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thiếu các chỉ tiêu phản ánh phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia… Một số chỉ tiêu thống kê trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng cần được sửa đổi tên hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn.

GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ KH&ĐT, Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA),… Việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý; hiệu quả trong thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu Luật Thống kê

So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, dự án Luật sửa đổi, bổ sung sẽ sửa tên của 3 nhóm chỉ tiêu; giữ nguyên 129 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; sửa tên 46 chỉ tiêu thống kê để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây; bãi (như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030); bỏ 11 chỉ tiêu thống kê do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê: Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh: 24 chỉ tiêu; Kinh tế tuần hoàn: 5 chỉ tiêu; Kinh tế bao trùm: 7 chỉ tiêu; Môi trường và biến đổi khí hậu: 12 chỉ tiêu; Liên kết vùng (có phân tổ theo vùng): 130 chỉ tiêu; Liên quan đến trẻ em: 11 chỉ tiêu.

Để có số liệu, thông tin thống kê kịp thời, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn. Trong đó có đề xuất bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (GRDP).

Nội dung thứ hai là bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Đó là phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Phải tính khả thi - tức là chỉ tiêu phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trong thực tế. Và phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây