Tổng điều tra kinh tế năm 2021 diễn ra thuận lợi và thành công

TĐT năm nay còn diễn ra trong bối cảnh tại nhiều tại nhiều địa phương phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp, Gia Lai cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng điều tra, sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ tỉnh đã góp phần giúp cho cuộc TĐT trên địa bàn tỉnh Gia Lai được diễn ra thuận lợi và thành công.
Xe tuyên truyền về Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Xe tuyên truyền về Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Trong giai đoạn I (thực hiện điều tra các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội – tiến hành điều tra từ ngày 01/3/2021), tỉnh Gia Lai đã hoàn thành công tác thu thập thông tin khối doanh nghiệp trước ngày 30/7/2021 với 3.791 doanh nghiệp và hợp tác xã; khối sự nghiệp, hiệp hội hoàn thành kê khai phiếu trước ngày 30/4/2021 là 1.073 đơn vị; trong đó, có 957 đơn vị sự nghiệp, 116 tổ chức hiệp hội.

Giai đoạn II (thực hiện điều tra cơ sở sản xuất kinh danh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) toàn tỉnh đã hoàn thành công tác thu thập thông tin 100% phiếu cá thể, tôn giáo vào ngày 30/7/2021, với 59.269 phiếu cá thể và 275 phiếu tôn giáo, tín ngưỡng.

Hình ảnh: Lễ ra quân Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 tại UBND phường Ia Kring, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai

Chủ động trong công tác chuẩn bị và thu thập thông tin TĐT

Thành lập Ban chỉ đạo TĐT các cấp

Thực hiện theo công văn số 4854/BCĐTW-TTT ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương về hướng dẫn công tác chuẩn bị Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Cục Thống kê tỉnh
Gia Lai đã tham mưu cho UBND dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh Gia Lai và Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Tổng điều tra. Đồng thời ban hành công văn số 02/BCĐ ngày 07/9/2020, hướng dẫn các cấp trên địa bàn tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra và tổ thường trực Tổng điều tra theo đúng thành phần và thời gian theo qui định. Tổng số có 17 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện, với 188 thành viên; Đến 30/10/2020 hoàn thành công tác thành lập 17 Tổ thường trực cấp huyện do đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê làm tổ trưởng, với 189 thành viên.
 
Bên cạnh việc thành lập, củng cố BCĐ và bộ máy giúp việc, công tác lập, rà soát danh sách đơn vị điều tra cũng được chú trọng bảo đảm tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng điều tra. Trên cơ sở danh sách nền số lượng doanh nghiêp, chi nhánh, địa điểm SXKD của doanh nghiệp trước rà soát do Tổng cục Thống kê gửi về, cụ thể có: 5.620 doanh nghiệp, 1.175 chi nhánh, 1.143 địa điểm sản xuất kinh doanh. Cục Thống kê tỉnh đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đối chiếu, rà soát danh sách giữa 3 bên. Đồng thời triển khai cho Chi cục Thống kê các huyện, thị xã, thành phố chủ động làm việc với cơ quan Thuế cùng cấp để cùng phối hợp rà soát, cập nhật lại danh sách nền. Kết quả sau khi rà soát danh sách nền doanh nghiệp toàn tỉnh Gia Lai có: 5.578 doanh nghiệp, 1.175 chi nhánh, 1.143 địa điểm sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở danh sách nền Tổng điều tra năm 2017 do Tổng cục Thống kê gửi về, cụ thể có: 1.151 đơn vị sự nghiệp, 95 hiệp hội. Cục Thống kê tỉnh đã phối hợp với Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính. Đồng thời triển khai cho các Ban Chỉ đạo cấp huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng cấp rà soát, cập nhật lại danh sách nền. Kết quả sau khi rà soát danh sách nền toàn tỉnh Gia Lai có: 952 đơn vị sự nghiệp, 116 hiệp hội.

Công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ, huy động lực lượng tham gia TĐT

Sau khi tham dự lớp tập huấn cấp Trung ương, Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra và sử dụng công nghệ thông tin bằng hình thức trực tuyến tại cơ quan Cục và kết nối với 10 điểm cầu tại các Chi cục Thống kê huyện và khu vực. Riêng thành phố Pleiku, huyện Ia Grai, huyện Chư Păh dự tập huấn trực tiếp tại Cục Thống kê tỉnh Gia Lai. Còn lại 14 huyện, thị xã của tỉnh dự tập huấn trực tuyến tại các đầu cầu của Chi cục Thống kê các huyện và khu vực. Với các thành phần tham dự là: thành viên BCĐ Tổng điều tra tỉnh; Tổ thường trực tỉnh; GSV cấp tỉnh; Ban chỉ đạo, Tổ thường trực cấp huyện; GSV cấp huyện và ĐTV khối doanh nghiệp. Thời gian tập huấn 1,5 ngày từ ngày 25/02/2021 đến 26/02/2021. Số lượng người tham dự tập huấn trực tiếp tại cơ quan Cục Thống kê là 77 người. Số lượng người tham dự tập huấn trực tuyến tại đầu cầu các Chi cục Thống kê huyện và khu vực là 48 người.
Các giảng viên là thành viên Tổ thường trực cấp tỉnh đã tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ tại Trung ương. Tất cả các giảng viên đều chuẩn bị kỹ bài giảng, bám sát các nội dung qui định trong Phương án điều tra và Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ điều tra và hướng dẫn sử dụng Trang Web Tổng điều tra. Trong quá trình tập huấn, các giảng viên tập trung kỹ vào những nội dung trọng tâm, đưa ra các ví dụ cụ thể, dễ hiểu. Nhìn chung các ĐTV đều tiếp thu bài giảng tốt, có nhiều tương tác trao đổi với giảng viên. Kết thúc lớp tập huấn, tất cả các ĐTV đều đủ điều kiện tham gia điều tra.


Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền là yếu tố rất quan trọng trong cuộc Tổng điều tra, tuyên truyền càng sâu rộng thì sự ủng hộ của người dân đối với Tổng điều tra là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai thực hiện tốt các hoạt động Tổng điều tra ở địa bàn. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH- BCĐ ngày 22 tháng 02 năm 2021 về công tác tuyên truyền Tổng điều tra kinh tế  2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công văn 61/CV-BCĐ ngày 23/6/2021 về việc tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền cuộc Tổng điều tra kinh tế khối cơ sở SXKD cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhằm đưa công tác tuyên truyền Tổng điều tra đến người dân từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn, thôn, buôn…để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra; từ đó người dân tích cực hưởng ứng, phối hợp, thực hiện tốt việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho điều tra viên.

Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã; Ban Chỉ đạo các cấp vận dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với địa phương. Việc tuyên truyền thông qua các hình thức: Tiếp và phát sóng trên Đài truyền hình của tỉnh Đài truyên hình các huyện, thị xã, thành phố về tất cả các nội dung tuyên truyền công tác Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 từ Đài truyền hình Trung ương; đăng tin bài trên Báo điện tử và Báo giấy của Gia Lai; Phát nội dung câu hỏi - đáp về cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên Đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn; Treo băng rôn, khẩu hiệu nội dung Tổng điều tra kinh tế tại các trục đường chính của tỉnh, thành phố, thị xã và huyện; tại trụ sở Cục Thống kê, trụ sở các Chi cục Thống kê huyện, thành phố và khu vực, trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và các nơi công cộng, tập trung đông dân cư; Chạy xe lưu động phát thông tin hỏi đáp về cuộc Tổng điều tra vào thời điểm ra quân Tổng điều tra.
Giai đoạn 1: Thời gian tuyên truyền từ tháng 02 đến tháng 3/2021. Tập trung cao điểm trong thời gian từ ngày 26/02- 05/3/2021. Báo Gia Lai đăng 07 tin bài; Phát thanh truyền hình đưa 14 lượt phát sóng. 
Giai đoạn 2: Thời gian tuyên truyền từ tháng 6 đến tháng 7/2021. Tập trung cao điểm trong thời gian từ ngày 25/6- 05/7/2021. Báo Gia Lai đăng 09 tin bài; Phát thanh truyền hình đưa 12 lượt phát sóng.
 
Công tác kiểm tra, giám sát

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh đã lập kế hoạch và phân công cụ thể địa bàn giám sát cho các giám sát viên cấp tỉnh. Ngay từ những ngày đầu ra quân điều tra, bắt đầu từ ngày 01/3/2021 các GSV cấp tỉnh đã kịp thời có mặt tại các huyện, thị xã, thành phố cùng với các GSV cấp huyện kiểm tra việc các ĐTV triển khai cho các Doanh nghiiệp tiến hành kê khai thông tin trên Webform, đồng thời cùng các ĐTV đến các doanh nghiệp hỗ trợ việc kê khai thông tin.

Trong suốt thời gian điều tra, thực hiện nghiêm túc sự phân công của Ban Chỉ đạo các cấp. Ngoài việc giám sát tại thực địa, các GSV cấp tỉnh và cấp huyện thường xuyên kiểm tra dữ liệu điều tra trên trang Web điều hành để kịp thời trao đổi lại với các ĐTV, để ĐTV thông báo cụ thể lại cho doanh nghiệp sửa chữa kịp thời những sai sót mắc phải trong quá trình kê khai thông tin.
 Công tác giám sát thu thập thông tin tại địa bàn được thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc đúng quy định. Kết thúc các đợt giám sát, các GSV đều thực hiện đầy đủ báo cáo giám sát theo yêu cầu của Ban chỉ đạo. Ngoài ra Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Gia Lai tăng cường công tác kiểm tra tiến độ, làm việc cụ thể với các BCĐ Tổng điều tra cấp huyện và giám sát viên cấp huyện. Kịp thời nhắc nhở, giải quyết những vướng mắc trong quá trình điều tra.
Thanh tra Cục Thống kê đã tiến hành thanh tra tại 3 huyện: Đức Cơ, Chư Prông và KBang. Đoàn công tác Tổng cục Thống kê kiểm tra, giám sát tại 2 huyện: Chư Sê và Đăk Đoa.

Một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai TĐT

-
Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo rất chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi về nhân lực cho cuộc Tổng điều tra. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã; đối tượng điều tra tích cực hợp tác cung cấp thông tin cho điều tra viên.
- Sự phối hợp tốt các địa phương, Sở, Ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng đưa công tác tuyên truyền, giải thích làm cho đối tượng điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của cuộc tổng điều tra, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra.
- Sự nổ lực chỉ đạo sâu sát với tinh thần trách nhiệm cao của Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp và Tổ thường trực Tổng điều tra cấp tỉnh và cấp huyện. Đặc biệt yếu tố quyết định sự thành công của cuộc Tổng điều tra là đội ngũ điều tra viên, giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện, có vị trí hết sức quan trọng đã làm việc nhiệt tình, tận tuỵ và sự đóng góp rất lớn của các đối tượng điều tra tham gia hưởng ứng cung cấp thông tin đầy đủ cho cuộc Tổng điều tra.
- Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đa số các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; các cơ sở tôn giáo, cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kê khai thông tin trên Webform và điều tra viên thu thập thông tin bằng CAPI.
- Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (thu thập thông tin theo phiếu web-form và phiếu CAPI) trong Tổng điều tra nên đã đẩy nhanh tiến độ thu thập thông tin; các sai sót được phát hiện kịp thời, giúp công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ được chính xác, kịp thời.
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, đơn vị hiệp hội có trụ sở làm việc trong các cơ quan nhà nước, nên thuận lợi trong việc kết nối thông tin; Điều tra viên dễ tiếp cận các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội để hướng dẫn cách kê khai thông tin tin trên webform. Người cung cấp thông tin đối với các đơn vị sự nghiệp dễ dàng tiếp cận với cách kê khai thông tin bằng Webform.
- Ban Chỉ đạo các cấp, điều tra viên khai thác các tính năng nhanh chóng, hiệu quả của công nghệ thông tin, liên lạc (như: Zalo, internet...) để phục vụ thông tin, trao đổi, giải đáp thắc mắc về nghiệp vụ Tổng điều tra.
- Quá trình thu thập thông tin tại địa bàn trên toàn tỉnh đảm bảo an toàn, các rủi ro không xảy ra.
Bên cạnh mặt thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn như sau
Công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đang chuẩn bị và tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc Hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nên gặp khó khăn trong công tác thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, huy động điều tra viên. Một số địa phương, Trưởng ban chỉ đạo cấp xã, sau bầu cử không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc phó chủ tịch nên không thể tiếp tục làm trưởng ban, gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành Tổng điều tra ở 1 số xã, phường, thị trấn.
- Do cuộc Tổng điều tra diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn khi nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, ĐTV khó tiếp cận với đối tượng điều tra.
- Cuối tháng 4 năm 2021 các doanh nghiệp mới có báo cáo quyết toán năm. Một số doanh nghiệp số liệu còn tạm tính để gửi dữ liệu lên trang Thuế đúng thời gian; nên còn điều chỉnh nhiều lần; số liệu kê khai không khớp với ngành Thuế (theo thời điểm). Một số doanh nghiệp chuyển đi hoạt động SXKD ở tỉnh khác nhưng vẫn đóng thuế tại tỉnh điều tra viên không tìm ra địa chỉ doanh nghiệp.
- Đối tượng thu thập thập tin là các cơ sở SXKD cá thể nên việc tiếp cận để phỏng vấn thông tin cũng có nhiều khó khăn hơn nhất là khu vực các chợ. Các chỉ tiêu thu thập như doanh thu, chi phí, giá vốn… rất khó khai thác được thông tin chính xác, do phần lớn các hộ kinh doanh tâm lý sợ tăng thuế nên chưa trung thực trong việc kê khai, thường thì khai thấp đi rất nhiều hoặc có hộ không thể nhớ, nên cung cấp một cách tương đối.
- Do áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập và xử lý toàn bộ dữ liệu một cuộc Tổng điều tra lớn và phức tạp nên phát sinh nhiều lỗi, sự cố. Phần mềm chỉ cho phép doanh nghiệp tự kê khai và trực tiếp đánh mã ngành và điều tra viên kiểm tra mã ngành còn nhiều sai sót nên phải liên hệ lại doanh nghiệp để sửa mã ngành cho đúng thực tế nên rất tốn nhiều thời gian.
- Trước ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã làm ăn thua lỗ, không phát sinh doanh thu và chi phí. Nên phần lớn tâm lý của doanh nghiệp không vui vẻ, một số doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác, nhất là những doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ,… nên điều tra viên phải mất nhiều thời gian liên hệ, trao đổi nhiều lần mới đồng ý kê khai thông tin; một số trường hợp không tích cực hợp tác với các điều tra viên để tiến hành kê khai thông tin trên Webform. ĐTV liên hệ, đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần thì gây khó chịu cho các doanh nghiệp.
Tóm lại: Qua hơn một năm chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021 với phạm vi rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, đơn vị điều tra khác nhau, với sự tham gia của lực lượng đông đảo điều tra viên và giám sát viên lại được tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn, hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin. Song, được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban Chỉ đạo các cấp, sự tham gia phối hợp của các Sở, Ban, ngành, sự hưởng ứng, ủng hộ của đối tượng điều tra và sự nỗ lực nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao của điều tra viên, giám sát viên. Đến nay cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện từng nội dung công việc theo đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng theo phương án, các quy trình áp dụng cho Tổng điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đề ra./.

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây