Vì sao phải bổ sung quy trình biên soạn GDP, GRDP?

(Chinhphu.vn) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, luôn là một trong những chỉ tiêu “nóng”. Nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, đặc biệt là thông tin về GDP và GRDP luôn thường xuyên, liên tục và ở mức độ cao nhất. Vậy hiện nay, các chỉ tiêu này được biên soạn như thế nào? Vì sao cơ quan quản lý nhà nước về thống kê lại đề suất bổ sung quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP?
Nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, đặc biệt là thông tin về GDP và GRDP luôn thường xuyên, liên tục và ở mức độ cao nhất.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Diệu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: Là cơ quan chủ trì thực hiện thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP, để đảm bảo sản xuất thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và có độ tin cậy cao, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và ban hành Quy trình biên soạn số liệu GDP, GRDP dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, chuyên nghiệp và khả thi. Trải qua nhiều giai đoạn, việc tổ chức biên soạn GDP và GRDP được thực hiện theo các mô hình biên soạn tập trung, mô hình biên soạn phân tán hay mô hình biên soạn kết hợp.

Từ 2017 đến nay, thực hiện Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đề án 175), để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thống nhất, phù hợp và tương thích giữa số liệu GDP và GRDP, đảm bảo các mảnh ghép trong bức tranh kinh tế của các tỉnh, thành phố đồng nhất, hòa hợp với bức tranh kinh tế cả nước, Tổng cục Thống kê đang triển khai quy trình biên soạn GDP và GRDP theo mô hình biên soạn tập trung thống nhất tại Tổng cục Thống kê.

Trải qua 5 năm triển khai thực tế, áp dụng quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thống kê: Tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã được khắc phục; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GRDP theo quy định.

Việc áp dụng quy trình biên soạn tập trung còn nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; nâng cao tính phù hợp, logic giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Bên cạnh đó, quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP cũng tạo lập mạng lưới thông tin giữa Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê với các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy trình biên soạn GDP, GRDP tập trung, việc kết nối và vận hành hệ thống thông tin còn chưa đạt kết quả mong muốn, cần có tính pháp lý cao hơn mức hiện tại. Mặt khác, đây là quy trình có tính kỹ thuật chuyên sâu, cần được tham vấn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm cả lý thuyết và thực tiễn về Tài khoản quốc gia nói riêng và thống kê nói chung.

Do đó, để vận hành quy trình hiệu quả, linh hoạt và đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu số liệu GDP và GRDP trong quản lý và điều hành, dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thống kê đề xuất bổ sung quy định gắn trách nhiệm của các chủ thể trong việc ban hành và thực hiện quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP.

Với việc nâng cao tính pháp lý của quy trình biên soạn, vai trò và trách nhiệm của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê và hệ thống thống kê Bộ, ngành được phân định rõ ràng; đồng thời nâng cao mức độ ràng buộc và kết nối của các Bộ, ngành ở trung ương, Sở, ban, ngành ở địa phương trong phối hợp cung cấp, chia sẻ và sử dụng thông tin thống kê, đồng hành cùng Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê địa phương trong việc phác họa và lý giải hiện trạng bức tranh kinh tế của cả nước, từng địa phương theo ngành và lĩnh vực cụ thể.

Theo bà Nguyễn Diệu Huyền, việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý, hiệu quả trong công tác thống kê; nâng cao tính công khai, minh bạch cho số liệu thống kê nói chung và số liệu GDP, GRDP nói riêng.

Bà Nguyễn Diệu Huyền cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê trong đó phân định rõ ràng trách nhiệm của Tổng cục Thống kê, Cục thống kê, đơn vị thống kê bộ, ngành trong biên soạn số liệu GDP và GRDP nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy trình biên soạn và nâng cao tính công khai và minh bạch số liệu này, Ban soạn thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Điều 17, khoản 6 (sửa đổi và bổ sung điểm a,b); Điều 48, khoản 2 (bổ sung điểm d).

Cụ thể là, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP);

Bổ sung quy định về việc định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội;

Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ chỉ tiêu thống kê quốc gia. Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.

Như vậy, để có được “thành phẩm” cuối cùng là số liệu GDP, GRDP cung cấp đến người sử dụng thông tin là tổng hòa của chuỗi các hoạt động còn gọi là quy trình biên soạn chặt chẽ, logic, thực tiễn và khoa học cần có sự đóng góp, phối hợp, chia sẻ thông tin có trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và Bộ, Sở ngành, địa phương./.

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây